Đau Bụng Trên Rốn Là Bị Bệnh Gì? Nguyên Nhân Và Cách Chữa Tại Nhà
Đau bụng trên rốn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, bởi vì số lượng cơ quan nằm ở vị trí này khá nhiều (dạ dày, tá tràng, gan, mật, tụy,...). Mỗi vị trí lại gây ra triệu chứng điển hình khác nhau, từ đó giúp bạn dự đoán mình đang mắc bệnh lý nào.
Dưới đây là những nguyên nhân đau bụng trên rốn phổ biến và hướng dẫn cách khắc phục, mời quý độc giả cùng tham khảo.
Đau bụng trên rốn là bị bệnh lý gì?
Nếu bạn bị đau bụng trên rốn kéo dài thì có thể bạn đang mắc một trong số các bệnh lý dưới đây.
Đau bụng giữa trên rốn từng cơn do viêm dạ dày - tá tràng
Viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh lý gây tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng (viêm, trợt, loét). Đau bụng trên rốn là triệu chứng thường gặp của bệnh lý này. Cụ thể, bệnh nhân có các biểu hiện sau:
⦿ Đau vùng thượng vị: Xuất hiện ở 70% bệnh nhân viêm dạ dày - tá tràng. Tính chất của cơn đau thường là đau âm ỉ hoặc đau tức từng cơn, đau tăng lên sau khi ăn 2-3 giờ.
⦿ Đầy hơi, chướng bụng: Acid dịch vị dư thừa gây tổn thương niêm mạc dạ dày kéo theo hoạt động tiêu hóa bị chậm lại. Từ đó khiến bệnh nhân luôn có cảm chướng bụng, đầy hơi.
⦿ Buồn nôn, nôn: Thức ăn ứ đọng lâu có thể lên men trong dạ dày gây cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
⦿ Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng thường bị rối loạn tiêu hóa như táo bón,....
Như vậy, khi xuất hiện tình trạng đau vùng thượng vị kèm các dấu hiệu trên, có thể dự đoán nguyên nhân là do viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác hơn, bạn nên đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra.
Đau bụng trên rốn buồn nôn do trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản cũng gây đau bụng và triệu chứng khá giống viêm loét dạ dày - tá tràng.
Nguyên nhân là do acid dư thừa trong dạ dày trào lên thực quản, hầu họng, khoang miệng gây tổn thương niêm mạc. Từ đó dẫn đến một loạt các triệu chứng khó chịu như:
⦿ Đau thượng vị lan lên ngực và xuyên ra sau lưng: Cơn đau này xảy ra do acid trào lên kích thích thần kinh trên niêm mạc. Người bệnh thường bị đau bụng trên rốn về đêm do thời điểm này tần suất trào ngược tăng.
⦿ Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng: Tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn vào buổi sáng khi đánh răng và tăng lên khi ăn no, cúi gập người về phía trước hoặc ngủ vào ban đêm.
⦿ Vướng nghẹn ở cổ họng: Acid tấn công khiến niêm mạc thực quản sưng tấy, phù nề do đó người bệnh có cảm giác nuốt nước bọt vướng như có khối u, nghẹn, khó nuốt khi ăn thậm chí khi uống nước hay nuốt nước bọt. Bên cạnh đó, khi bệnh chuyển biến sang cấp độ nặng gây biến chứng hẹp thực quản, tình trạng vướng nghẹn, khó nuốt sẽ nghiêm trọng hơn.
⦿ Miệng tiết nhiều nước bọt: Acid trào lên khoang miệng, theo phản xạ tự nhiên cơ thể sẽ tiết ra nhiều nước bọt hơn để trung hòa bớt acid. Chính vì vậy, người bệnh trào ngược dạ dày thường cảm thấy khó chịu vì nước bọt tiết ra liên tục.
⦿ Các triệu chứng khác: Khó thở, đắng miệng, chướng bụng, buồn nôn, ho, viêm họng,...
Trào ngược dạ dày thực quản được chẩn đoán chính xác thông qua nội soi, chụp cản quang,...Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ trào ngược dạ dày, người bệnh nên đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Đau bụng trên rốn buồn nôn tiêu chảy do hội chứng ruột kích thích
Khi mắc hội chứng ruột kích thích, bệnh nhân thường xuyên gặp các dấu hiệu lặp đi lặp lại sau:
⦿ Đau bụng: Có thể đau âm ỉ hoặc đau từng cơn
⦿ Tiêu chảy: đại tiện 3-5 lần/ngày, lỏng hoặc nát, có thể lẫn nhầy không có máu
⦿ Táo bón: Phân rắn, ít, có thể lẫn nhầy, xen kẽ đi ngoài phân lỏng
⦿ Chướng bụng: Tăng vào ban ngày, nhất là sau buổi trưa, giảm vào ban đêm.
Đặc biệt, cần lưu ý đến gặp bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng nguy hiểm sau:
⦿ Sốt
⦿ Đi ngoài ra máu
⦿ Đi ngoài phân đen
⦿ Niêm mạc nhợt
⦿ Hoa mắt, chóng mặt,...
Đau bụng bên phải trên rốn do viêm túi mật, sỏi mật
Viêm túi mật, sỏi túi mật cũng gây ra đau đớn vùng bụng trên cho người bệnh. Sỏi túi mật làm tắc đường mật lâu dần dễ dẫn đến bội nhiễm gây viêm túi mật. Khi bị viêm túi mật cấp, người bệnh thường có các biểu hiện sau:
⦿ Đau hạ sườn phải (vùng bụng trên rốn bên phải): Cơn đau có thể lan lên vai, ra sau lưng. Đau tăng sau ăn hoặc đi lại.
⦿ Sốt: Bệnh nhân sốt sau khoảng 6 giờ từ khi xuất hiện cơn đau. Thường sốt cao, rét run, sốt lúc nóng lúc lạnh.
⦿ Vàng da: Bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu vàng da, vàng mắt sau khi đau và sốt. Mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tình trạng ứ mật.
Đau bụng trên rốn và đau lưng do viêm tuỵ
Nếu cơn đau bụng trên rốn diễn ra sau bữa ăn thì có thể nghĩ đến viêm tụy cấp. Hãy kiểm tra xem bạn có những biểu hiện đặc trưng của viêm tụy cấp dưới đây hay không:
⦿ Đau thượng vị: Đau dữ dội, đột ngột, kéo dài, cơn đau lan ra sau lưng hoặc 2 bên hạ sườn.
⦿ Buồn nôn, nôn: Sau cơn đau, người bệnh thường cảm thấy buồn nôn và nôn ra dịch dạ dày, dịch mật hoặc máu loãng. Khi nôn xong, cơn đau không thuyên giảm.
⦿ Đầy bụng, bí trung đại tiện: Gặp nhiều trong trường hợp viêm tụy cấp hoại tử nặng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bệnh đi ngoài phân lỏng nhiều lần.
⦿ Triệu chứng khác: Rối loạn ý thức, sốt, thiểu niệu vô niệu, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp,...
Các nguyên nhân khác
Vùng bụng là nơi chứa nhiều cơ quan, do đó mọi bất thường ở các cơ quan này đều có thể gây ra đau bụng. Ngoài những nguyên nhân phổ biến kể trên, người bệnh có thể bị đau bụng âm ỉ trên rốn do các nguyên nhân sau:
⦿ Vấn đề về gan: viêm gan, áp xe gan,...
⦿ Đau cơ
⦿ Viêm ruột thừa giai đoạn khởi phát,...
Đau bụng trên rốn có phải mang thai không?
Khi gặp tình trạng đau bụng vùng trên rốn nhiều chị em thắc mắc có phải đây là dấu hiệu mang thai không.
Câu trả lời là đau bụng vùng trên rốn không phải là dấu hiệu mang thai. Thông thường khi mang thai, phụ nữ sẽ đau vùng bụng dưới rốn. Tính chất đặc trưng của cơn đau bụng dưới do mang thai là:
⦿ Đau lệch một bên
⦿ Căng tức nhẹ
⦿ Đau âm ỉ, lâm râm
⦿ Đau trong 3-7 ngày
⦿ Đau khi cười, hắt hơi, đứng hoặc ngồi quá lâu,...
Bên cạnh dấu hiệu đau vùng bụng dưới, phụ nữ mang thai còn có các triệu chứng như:
⦿ Trễ kinh
⦿ Căng tức ngực
⦿ Tiểu nhiều
⦿ Thân nhiệt tăng
⦿ Buồn nôn
⦿ Tính khí thất thường
⦿ Nhạy cảm với mùi
⦿ Chuột rút ổ bụng,...
Cách chữa đau bụng trên rốn tại nhà
Như vậy, đau bụng vùng trên rốn gây ra bởi nhiều nguyên nhân, do đó bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán xác định chính xác đang mắc bệnh lý nào. Từ đó đưa ra các biện pháp điều trị và hướng dẫn cách khắc phục triệu chứng tại nhà phù hợp nhất.
Trước khi tìm hiểu cách chữa, người bệnh cần hiểu rằng đau bụng chỉ là triệu chứng của bệnh, để chấm dứt tình trạng này cần điều trị tận gốc từ căn nguyên bệnh.
Chữa đau bụng trên rốn do viêm hoặc trào ngược dạ dày
Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản thường được điều trị bằng các phương pháp sau:
Dùng thuốc tây
Có nhiều nhóm thuốc dùng trong điều trị bệnh dạ dày như ức chế bơm proton (Omeprazole, Nexium), kháng histamin H2 (Cimetidin, Famotidin), antacid (Dạ dày chữ P, Gaviscon), kháng sinh diệt HP,...
Khi sử dụng các loại thuốc này, bạn nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Dùng thực phẩm chức năng
Phần lớn các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày đều chiết xuất từ thảo dược. Do đó, ưu điểm khi sử dụng các sản phẩm này lành tính và an toàn hơn thuốc tây.
Ngoài ra, nếu lựa chọn đúng sản phẩm chất lượng thì hiệu quả mang lại tương đối cao. Một số thực phẩm chức năng khắc phục đau dạ dày bạn có thể tham khảo là:
⦿ Dạ Dày An Châu
⦿ Dạ dày chữ B,...
Để xoa dịu cơn đau bụng và các triệu chứng bệnh dạ dày tại nhà, người bệnh có thể áp dụng một số cách sau:
⦿ Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt: Không ăn thức ăn chua, cay, nóng; không uống rượu bia, nằm đúng tư thế, nên ngủ sau ăn 3 tiếng,...
⦿ Sử dụng mẹo dân gian: Massage bụng, chườm ấm, dùng các loại thảo dược,...
Chữa đau bụng do hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích rất dễ tái phát và việc điều trị tương đối khó khăn. Theo Ts.Bs Trần Văn Chiển (Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TWQĐ 108), bệnh lý này có thể điều trị bằng 2 biện pháp sau:
⦿ Y học hiện đại: Sử dụng các loại thuốc bổ sung chất xơ, thuốc kháng sinh, thuốc chống tiêu chảy, kháng cholinergic và chống co thắt,...
⦿ Y học cổ truyền: Dùng các bài thuốc cổ phương để điều hòa tỳ vị, hành khí chỉ thống, chỉ tả/nhuận tràng thông tiện…
Bên cạnh đó, người bệnh cần thực hiện tốt một số điều sau để cải thiện hội chứng ruột kích thích tại nhà:
⦿ Ăn uống đúng giờ
⦿ Không ăn quá no
⦿ Tránh đồ ăn tanh, cay, lạnh, nhiều dầu mỡ
⦿ Ăn lượng đạm vừa phải
⦿ Tăng cường ăn rau xanh
⦿ Hạn chế cà phê, bia rượu
⦿ Hạn chế thức ăn sinh hơi: bắp cải, quả nho, các loại đậu,...
Trị đau bụng do sỏi mật, viêm túi mật
Khi chẩn đoán sỏi mật, viêm túi mật, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân như:
⦿ Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc giảm đau và điều trị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn giảm chất béo, ăn ít và chia nhỏ bữa ăn.
⦿ Điều trị ngoại khoa: Cắt bỏ túi mật bằng nội soi hoặc phẫu thuật mở,...
Trị đau bụng trên rốn do viêm tụy
Viêm tụy cấp là bệnh lý nguy hiểm, dễ xảy ra các biến chứng và nhiều trường hợp nặng tiên lượng tử vong cao. Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần nhập viện điều trị ngay.
Điều trị viêm tụy cấp dựa trên nguyên tắc chung sau:
⦿ Điều trị kết hợp: hồi sức nội khoa đồng thời theo dõi sát tiến triển của bệnh để can thiệp ngoại khoa kịp thời.
⦿ Giảm áp lực tuyến tụy: Áp dụng phương pháp nuôi ăn hoặc uống thuốc tránh kích thích tuyến tụy bài tiết.
⦿ Điều trị hỗ trợ toàn thân.
⦿ Điều trị biến chứng.
Như vậy, trong bài viết trên Khỏe 247 đã giới thiệu chi tiết những nguyên nhân phổ biến gây đau bụng vùng trên rốn và cách điều trị. Hy vọng những thông tin này giúp độc giả hiểu rõ hơn và sớm khắc phục bệnh lý đang gặp phải.
BỆNH HỌC TẠI KHOE247.VN
- VIÊM LỘ TUYẾN CỔ TỬ CUNG LÀ GÌ? GIẢI PHÁP TRỊ DỨT ĐIỂM BỆNH
- VIÊM ĐẠI TRÀNG CO THẮT & CÁCH TRỊ TRIỆT ĐỂ TỪ BÀI THUỐC NGƯỜI DAO
- BỆNH LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG - NGUY CƠ VÔ SINH Ở PHỤ NỮ
- VIÊM CỔ TỬ CUNG - ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ HIỆN NAY?
- U XƠ TỬ CUNG LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CÁCH ĐIỀU TRỊ & SỬ DỤNG THUỐC
- U TUYẾN VÚ: NGUYÊN NHÂN, BIỂU HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ
- U NANG BUỒNG TRỨNG - Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Cách Điều Trị
- VIÊM LOÉT ĐẠI TRÀNG - BÍ QUYẾT NGĂN TRIỆU CHỨNG QUAY TRỞ LẠI
- HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH - GIẢI PHÁP CỦA NGƯỜI DÂN TỘC DAO
- BỆNH VIÊM ĐẠI TRÀNG - NHỮNG DẤU HIỆU & CÁCH ĐIỀU TRỊ ĐÚNG