BỆNH LAO RUỘT - CẦN PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ KỊP THỜI
Vi khuẩn lao không những gây nên bệnh lao phổi mà còn có thể gây ra những bệnh lý ở các cơ quan khác, trong đó có ruột. Lao ruột là bệnh khó chẩn đoán và có thể gây nên những biến chứng lớn nếu như không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hình ảnh mô phỏng trực khuẩn lao
Lao ruột là bệnh gì?
》 Lao ruột là một thể bệnh do trực khuẩn lao gây ra ở đường ruột. Đây là một nhiễm khuẩn phổ biến, xuất hiện nhiều ở những nước đang phát triển như ở Việt Nam.
》 Thông thường, trực khuẩn lao vào phổi và gây ra bệnh lao phổi với triệu chứng ho dai dẳng kéo dài. Bên cạnh đó, loài vi khuẩn này cũng có thể xâm nhập vào cơ quan khác và gây bệnh như đường ruột, não, thực quản, màng bụng,…
》 Việc chẩn đoán và điều trị lao ruột kịp thời là vô cùng quan trọng, bởi chúng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng người mắc phải.
Trực khuẩn lao có thể gây bệnh ở bất kỳ phần nào của đường ruột
Nguyên nhân gây lao ruột
》 Lao ruột có thể xuất hiện do nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.
⦿ Nguyên nhân nguyên phát:
Xuất hiện khi trực khuẩn lao xâm nhập từ môi trường vào đường ruột và cư trú ngay ở đó, con đường thông dụng nhất là xâm nhập qua đường ăn uống khi người bệnh ăn hay uống phải những thực phẩm có nhiễm trực khuẩn lao. Từ đó, chúng có thể gây bệnh ở đường ruột và lây lan sang các cơ quan khác trong cơ thể.
Tuy nhiên, nguyên nhân nguyên phát này thường ít gặp hơn nguyên nhân thứ phát.
⦿ Nguyên nhân thứ phát:
Xuất hiện khi trực khuẩn lao xâm nhập và gây bệnh ở các cơ quan khác, thông thường là phổi, hầu họng, thực quản, màng bụng. Sau đó mới di chuyển đến đường ruột và gây bệnh tại đây.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh
》 Các triệu chứng do lao ruột gây ra không quá đặc hiệu và rõ ràng khiến người bệnh khó phát hiện ra và đến thăm khám khi lao mới xâm nhập.
》 Ở giai đoạn sau, lao ruột có thể gây ra những triệu chứng khá giống với các rối loạn tiêu hóa thông thường
Cụ thể như:
⦿ Lao ruột thường ảnh hưởng đến vùng hồi tràng. Tuy nhiên, trực khuẩn lao cũng có thể gây ra bệnh viêm đại tràng với tỉ lệ khoảng 3% bệnh nhân mắc bệnh lao ruột.
⦿ Bệnh lao có thể liên quan đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa, nhưng hầu hết các loại loét và phì đại xảy ra ở vùng hồi tràng, nơi có sự chiếm ưu thế của mô bạch huyết dưới niêm mạc.
⦿ Các triệu chứng phổ biến nhất là sốt và đau bụng, thường được thuyên giảm khi đi đại tiện hoặc nôn mửa.
⦿ Giảm cân phổ biến hơn ở bệnh lao ruột thứ phát.
⦿ Chỉ một phần ba số bệnh nhân mắc bệnh lao đường tiêu hóa bị tiêu chảy. Tiêu chảy có thể liên quan đến các cơn đau bụng dữ dội. Bệnh nhân cũng có thể bị tiêu chảy và táo bón xen kẽ.
Khi gặp các triệu chứng của bệnh, cần sớm đến bệnh viện để kiểm tra
Bệnh lao ruột có nguy hiểm không?
》 Bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như hẹp ruột, tắc ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, hình thành những khối u ở đại tràng, xuất huyết tiêu hóa nặng,… Tất cả những biến chứng này có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí cấp cứu kịp thời.
》 Do vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ là dấu hiệu của bệnh lao ruột, bạn nên nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở y tế tin cậy để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Lao đường ruột có lây không?
》 Khác với lao phổi ở chỗ: lao phổi có thể lây lan trực khuẩn lao qua đường không khí. Nhưng với lao ruột, con đường lây lan không phải qua không khí mà là nuốt phải đờm, dãi,..có chứa vi khuẩn lao từ người đang mắc lao.
》 Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh như:
⦿ Bệnh nhân HIV
⦿ Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường
⦿ Đang sử dụng corticoid
⦿ Nhiễm phải bụi phổi silic
⦿ Bệnh bạch cầu
Chẩn đoán bệnh lao ruột
》 Sau khi thực hiện thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiêm để chẩn đoán bệnh như:
⦿ Xét nghiệm máu
Khi có lao ở đường ruột, bạch cầu lympho trong máu sẽ tăng lên báo hiệu tình trạng nhiễm trùng, tốc độ máu lắng cũng sẽ tăng. Bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu.
⦿ Chụp X-quang ổ bụng
- Trên hình ảnh X-quang đại tràng thấy không đều, chỗ to chỗ nhỏ
- Ở vùng hồi tràng-manh tràng-đại tràng không đều
- Tiểu tràng biến dạng hình ống đàn
⦿ Nội soi
- Nội soi có thể giúp bác sĩ quan sát hết được đường ruột đang bị tổn thương
- Thấy các hạt trắng như hạt gạo nằm rải rác trên niêm mạc đường ruột
- Xuất hiện những ổ viêm loét bờ mỏng, máu tím và có thể chảy máu ở những bờ mỏng này.
- Manh tràng có thể bị hẹp và không thể đưa ống nội soi qua được
- Ngoài ra, còn có thể sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán khác như chụp mạch lympho, siêu âm, chụp CT,…
Các phương pháp điều trị bệnh
》 Đối với thể lao ruột thông thường, sẽ được điều trị bằng phương pháp nội khoa. Còn đối với các trường hợp biến chứng sẽ được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Điều trị nội khoa
》 Tất cả các trường hợp được chẩn đoán mắc lao ruột nên nhận được ít nhất 6 tháng điều trị chống nhiễm trùng, trong đó bao gồm hai tháng đầu điều trị bằng isoniazid, rifampicin, pyrazinamide và ethambutol ba lần mỗi tuần.
》 Mặc dù phác đồ điều trị 6 tháng được khuyến nghị theo hướng dẫn của chương trình điều trị bệnh lao quốc gia, nhưng nhiều bác sĩ lâm sàng mở rộng chế độ điều trị lên 9 hoặc 12 tháng.
5 thuốc trong phác đồ điều trị lao
Điều trị bằng phẫu thuật
》 Thường áp dụng trong các trường hợp người bệnh gặp phải các biến chứng nghiêm trọng đường tiêu hóa như tắc ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc.
》 Tuy nhiên, nếu phẫu thuật trong giai đoan có lao cấp tính, các triệu chứng bệnh đang diễn ra trầm trọng thì có nguy cơ cao bệnh nhân tử vong. Do đó, thường áp dụng điều trị bằng thuốc trong vòng 4-6 tuần rồi tiến hành phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, tiếp tục sử dụng thuốc để điều trị.
Những lưu ý trong chế độ sinh hoạt của người bệnh
》 Người bệnh nên nên nghỉ ngơi và hạn chế tiếp xức với người khác để tránh lây nhiễm cho cộng đồng, cho đến khi bác sĩ xác nhận bệnh không còn lây nhiễm.
》 Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần hết sức tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ và uống thuốc đúng giờ. Do quá trình điều trị cần phải mất một thời gian dài để lui bệnh, nên bạn có thể ghi lại giờ giấc uống thuốc, hoặc nhờ người thân trong gia đình nhắc nhở bạn uống thuốc đúng giờ.
》 Vi khuẩn lao là một loài vi khuẩn rất dễ kháng thuốc, do vậy, không nên tự ý bỏ thuốc khi thấy dấu hiệu bệnh thuyên giảm, rất có khả năng cao vi khuẩn lao vẫn đang tiềm ẩn trong cơ thể của bạn.
》 Để tránh lây nhiễm cho người thân, bạn có thể đeo khẩu trang y tế. Mỗi khi ho, cần lấy giấy che miệng lại và vứt đi sau khi đã dùng xong.
》 Bên cạnh đó, cần bổ bụng đầy đủ chất dinh dưỡng từ khẩu phần ăn hàng ngày để cung cấp năng lượng chiến đấu lại với bệnh tật.
Các biện pháp phòng bệnh lao ruột
⦿ Thực hiện ăn chín, uống sôi, không uống các loại sữa tươi chưa qua quá trình tiệt trùng, đặc biệt là sữa bò.
⦿ Đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài đường để hạn chế vi khuẩn, bụi phổi xâm nhập vào cơ thể.
⦿ Khi sử dụng các loại thuốc như các thuốc ức chế miễn dịch, cần theo dõi sát sao các tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra.
⦿ Khi có các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra, thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.
⦿ Đặc biệt, nên thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng - 1 năm để theo dõi tình trạng sức khỏe của mình.
Trên đây là một số thông tin về bệnh lao ruột dược sĩ Linh của Khoe247.vn mang tới cho bạn. Như vậy, đây là một bệnh lý nguy hiểm và cần được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ bệnh, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được lời khuyên hữu ích nhất. Chúc bạn sức khỏe.
BỆNH HỌC TẠI KHOE247.VN
- VIÊM LỘ TUYẾN CỔ TỬ CUNG LÀ GÌ? GIẢI PHÁP TRỊ DỨT ĐIỂM BỆNH
- VIÊM ĐẠI TRÀNG CO THẮT & CÁCH TRỊ TRIỆT ĐỂ TỪ BÀI THUỐC NGƯỜI DAO
- BỆNH LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG - NGUY CƠ VÔ SINH Ở PHỤ NỮ
- VIÊM CỔ TỬ CUNG - ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ HIỆN NAY?
- U XƠ TỬ CUNG LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CÁCH ĐIỀU TRỊ & SỬ DỤNG THUỐC
- U TUYẾN VÚ: NGUYÊN NHÂN, BIỂU HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ
- U NANG BUỒNG TRỨNG - Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Cách Điều Trị
- VIÊM LOÉT ĐẠI TRÀNG - BÍ QUYẾT NGĂN TRIỆU CHỨNG QUAY TRỞ LẠI
- HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH - GIẢI PHÁP CỦA NGƯỜI DÂN TỘC DAO
- BỆNH VIÊM ĐẠI TRÀNG - NHỮNG DẤU HIỆU & CÁCH ĐIỀU TRỊ ĐÚNG