LỴ AMIP LÀ GÌ? CÁCH PHÂN BIỆT GIỮA LỴ AMIP VÀ LỴ TRỰC KHUẨN
Lỵ amip là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp khi ăn uống phải những thực phẩm nhiễm amip gây bệnh. Lỵ amip có mặt trên toàn thế giới, mặc dù hầu hết các trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Khoảng 480 triệu người bị nhiễm amip và 40.000 đến 110.000 trường hợp tử vong mỗi năm.
Bệnh lỵ amip là gì?
》 Bệnh lỵ amip là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi Amip thuộc nhóm Entamoeba. Trong đó, loài entamoeba histolytica thể hiện những triệu chứng chung nhất của quá trình nhiễm khuẩn.
》 Amip thường gây tổn thương đặc trưng là các vết viêm loét ở niêm mạc đại tràng và có khả năng gây ra các ổ ap-xe ở những cơ quan khác (gan, não...). Bệnh có xu hướng kéo dài và tiến triển thành mạn tính nếu không được điều trị tích cực.
Hình ảnh amip Entamoeba histolytica khi soi trên kính hiển vi
》 Khoảng 90% các trường hợp nhiễm amip là không có triệu chứng. Nếu có, các triệu chứng thường là Đau bụng, tiêu chảy hoặc tiêu chảy ra máu. Bệnh Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như viêm đại tràng với các mô bị hoại tử hoặc thủng, nặng hơn là viêm phúc mạc. Bệnh nhân có thể bị thiếu máu do mất máu.
Xem chi tiết về Bệnh viêm đại tràng ◀◀◀ CLICK NGAY
Nguồn bệnh và đường lây
》 Nguồn bệnh chính là người bệnh (cả thể cấp tính và mạn tính) và người lành mang trùng thải kén amip theo phân gây ô nhiễm thực phẩm và nguồn nước uống. Một số động vật như chó, mèo, chuột, khỉ v.v.. có thể bị bệnh nhưng chúng không thải kén ra ngoài do vậy chúng không phải là nguồn bệnh.
》 Bệnh lây qua đường tiêu hoá do thức ăn, nước uống nhiễm kén amip. Kén amip tồn tại ở môi trường bệnh ngoài cơ thể tương đối tốt: ở nhiệt độ 17-20°C chúng tồn tại hàng tháng; ở 45°C kén chết sau 30 phút, ở 85°C chết sau vài giây. Với thuốc khử trùng Crezyl 1/250 có thể tiêu diệt kén amip trong vòng 5-15 phút.
》 Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm amip, nhưng 90% người nhiễm là không có triệu chứng, chỉ có 10% số người bị nhiễm có biểu hiện của lỵ amip hoặc áp xe ở các cơ quan khác nhau.
Triệu chứng lỵ amip - Cách phân biệt Lỵ amip và Lỵ trực khuẩn.
》 Lỵ amip là thể bệnh lâm sàng cơ bản do E. histolytica gây ra. Theo tiến triển của bệnh amip ruột có thể chia ra các thể sau:
Lỵ amip cấp tính
Thời kỳ ủ bệnh:
》 Kéo dài từ 1-2 tuần cho tới 3 tháng. Không có triệu chứng lâm sàng.
Thời kỳ khởi phát:
》 Có thể từ từ hoặc cấp tính. Một số bệnh nhân có thể nhận thấy các dấu hiệu tiến triển của bệnh như: Mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt, đau bụng... Điểm khác cơ bản với bệnh lỵ trực khuẩn là bệnh nhân lỵ amip thường cảm thấy sức khoẻ tương đối bình thường, hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc không rõ ràng, bệnh nhân thường không có sốt hoặc sốt rất nhẹ, bạch cầu không tăng.
》 Còn lỵ trực khuẩn thường khởi phát đột ngột rồi nhanh chóng chuyển sang giai đoạn toàn phát với biểu hiện sốt, gai rét, kèm theo có nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn. Số lượng bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính ở máu ngoại vi thường tăng .
Thời kỳ toàn phát:
》 Đặc trưng của bệnh lỵ amip là những triệu chứng tổn thương ở đại tràng còn gọi là hội chứng lỵ amip.
Hội chứng lỵ amip gồm 3 triệu chứng chủ yếu là:
⦿ Đau quặn bụng: Bệnh nhân lỵ amip thường đau quặn bụng từng cơn ở vùng hố chậu phải. Ở những trường hợp bệnh kéo dài có thể thấy đau cả vùng 2 hố chậu
⦿ Mót rặn và đi ngoài "giả": Bệnh nhân thường xuyên có cảm giác mót rặn sau mỗi cơn đau quặn, đi ngoài phải rặn nhiều và nếu lỵ kéo dài có thể dẫn tới các biến chứng khác như trĩ hay sa niêm mạc trực tràng. Ở người bị lỵ amip thường có hiện tượng đi ngoài "giả", tức là rất mót đi ngoài nhưng khi đi ngoài lại không có phân. Khác hẳn ở lỵ trực khuẩn mót đi ngoài thì thường ít nhiều đều có phân.
⦿ Đi ngoài nhiều lần, phân nhầy máu: Số lần đi ngoài ở bệnh nhân lỵ amip thường từ 4-10 lần/ngày, ít khi đi ngoài nhiều lần như lỵ trực khuẩn. Lúc đầu phân thường lỏng, có bã phân nhưng những ngày sau phân chỉ còn nhầy trong như nhựa chuối và máu. Nhầy và máu thường riêng rẽ chứ không hoà lẫn với nhau như ở lỵ trực khuẩn.
Đau quặn bụng, mót rặn, đi ngoài nhiều lần là những triệu chứng của hội chứng lỵ amip
》 Ở bệnh nhân lỵ amip ngoài những biểu hiện trên ở ruột thì những cơ quan khác rất ít bị biến đổi. Xét nghiệm máu và nước tiểu đều trong giới hạn bình thường.
Lỵ amip mạn tính
》 Lỵ amip cấp tính thường kéo dài 4-6 tuần, nếu không được điều trị đặc hiệu thì sẽ chuyển sang lỵ mạn tính.
》 Sau thời kỳ cấp tính dù không được điều trị gì nhưng bệnh nhân cũng cảm thấy đỡ dần, số lần đi ngoài giảm dần như có xu hướng khỏi. Tuy vậy lỵ amip vẫn diễn biến âm ỉ mạn tính và sẽ có những đợt tái phát thành cấp tính.
Một số biến chứng ở ruột do Lỵ amip
⦿ Viêm phúc mạc do thủng ruột: Là biến chứng nguy hiểm và khó chẩn đoán bởi vì thường diễn ra từ từ và không điển hình. Viêm phúc mạc có thể toàn bộ hoặc khu trú ở vùng hố chậu phải do đó dễ nhầm với thủng ruột thừa.
⦿ U amip đại tràng: Là biến chứng hiếm gặp. Vị trí u thường ở manh tràng hoặc đại tràng lên, hiếm gặp hơn có thể thấy ở đại tràng góc gan và góc lách. Kích thước u đôi khi lớn gây hẹp hoặc tắc lưu thông đại tràng. Tuy vậy, khi được điều trị đặc hiệu diệt amip thì u amip cũng giảm nhanh và mất đi.
⦿ Polip đại tràng do lỵ amip: Là u tuyến lành tính kích thước to nhỏ khác nhau, phát triển ở phần niêm mạc đại tràng.
⦿ Chảy máy ruột do lỵ amip: Chảy máu ruột thường gặp ở bệnh nhân bị lỵ amip cấp hoặc những đợt tái phát cấp tính của lỵ amip mạn tính. Tuy vậy biến chứng này chỉ gặp ở 0,5% số bệnh nhân lỵ amip mà thôi.
⦿ Sa niêm mạc trực tràng do lỵ amip: Đây là biến chứng hiếm gặp và thường thấy ở bệnh nhân bị lỵ amip mạn tính tái phát nhiều lần.
⦿ Viêm ruột thừa do amip: Là biến chứng hiếm gặp nhưng nặng và nếu không được điều trị đặc hiệu thì tỷ lệ tử vong rất cao.
Điều trị lỵ amip cho trẻ nhỏ và người lớn
Điều trị lỵ amip cho trẻ
》 Khi thấy bé bị đi ngoài phân lỏng nước hơn 3 lần/ ngày, kèm theo phân có nhầy máu hoặc kéo dài sau 24 tiếng vẫn chưa khỏi, mẹ cần đưa bé tới khám các cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán chính xác dựa vào xét nghiệm phân, siêu âm, chụp X quang.
Khi điều trị lỵ amip cho trẻ cần đảm bảo 4 nguyên tắc: Bù nước, diệt amip, dinh dưỡng và theo dõi:
⦿ Bù nước: tùy theo mức độ mất nước mà điều trị theo phác đồ cho phù hợp
⦿ Diệt amip: Khi bé bị bệnh, bác sĩ sẽ cho bé uống các thuốc diệt amip. Quy trình điều trị thường mất từ 7 – 12 ngày nên mẹ cần tuân thủ đúng theo lời dặn của bác sĩ để bé khỏi bệnh hoàn toàn và phòng tránh nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.
⦿ Dinh dưỡng: Nên ăn thức ăn giàu năng lượng, giàu đạm nhưng mẹ chú ý thức ăn phải mềm, xay nhuyễn do đường tiêu hóa lúc này của trẻ còn đang bị tổn thương.
⦿ Theo dõi :
➡ Dấu hiệu mất nước
➡ Tính chất phân
》 Ngoài ra, có thể theo dõi sốt, nôn ói, đau bụng, nhiêt độ v.v.. tùy theo trẻ có triệu chứng phối hợp nào mà có các biện pháp xử lý khác nhau.
Điều trị lỵ amip ở người lớn
》 Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc lỵ amip, bạn nên đến các cơ sở y tế như bệnh viện để thăm khám, kiểm tra và xác định chính xác bệnh. Từ đó, có các biện pháp điều trị phù hợp nhất. Tránh trường hợp tự mua thuốc về uống, có thể dùng thuốc sai và làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Một số thuốc trị lỵ amip đặc hiệu:
》 Thuốc tác dụng trực tiếp khi tiếp xúc với amip
⦿ Chiniofon (Mixiot, Yatren): Viên 0,2-0,25g dùng với liều 1,5g/ngày trong 10 ngày liên tục. Có thể kết hợp với Chiniofon thụt giữ vào lòng đại tràng (1-2g pha với 200 ml nước ấm).
⦿ Iodoquinol viên 650mg/ngày, trong 10 ngày.
》 Thuốc tác dụng tới amip trong tế bào (niêm mạc ruột)
⦿ V Emetin: Liều 1 mg/kg nặng/ngày, tiêm bắp trong vòng 5-7 ngày (0,04-0,06 gam/ngày; liều cả đợt: 0,01 gam/kg nặng). Trong những trường hợp cần thiết có thể dùng đợt nhắc lại, nhưng phải cách đợt đầu 45 ngày.
⦿ Dehydroemetin : thường được sử dụng nhiều hơn Emetin, có tác dụng mạnh gấp 2 lần Emetin và ít độc hơn. Liều dùng 1mg/kg thể trạng/24 giờ, tiêm bắp thịt 5-7 ngày.
》 Thuốc tác dụng trên cả thể amip và thể kén
⦿ Metronidazol (Flagyl, Klion): Viên 0,25g dùng với liều 25-30mg/kg/ngày, trong 10 ngày.
Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc để điều trị bệnh
Điều trị kết hợp
》 Sử dụng các thuốc giảm đau: Nếu bệnh nhân đau bụng nhiều do co thắt đại tràng thì dùng các thuốc giảm đau, giãn cơ như: Atropin, NOSPA, papaverin, spasmaverin v.v.. Không dùng các thuốc băng se niêm mạc ruột như: các muối bismuth; smecta...
》 Trong trường hợp áp xe gan, áp xe phổi có bội nhiễm vi khuẩn thì phải phối hợp thuốc diệt amip với thuốc kháng sinh (theo kháng sinh đồ), đồng thời phải giải quyết ổ áp xe bằng chọc hút hoặc phẫu thuật khi ổ áp xe gan do amip quá to.
Biện pháp dự phòng
》 Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh ăn uống, tránh để lây nhiễm kén amip vào thức ăn, nước uống. Đồng thời, xử lý phân, tuyệt đối không dùng phân tươi bón rau quả.
》 Khi dùng rau quả tươi phải rửa sạch, phải khử trùng hoặc có sử lý bằng tia cực tím để diệt kén amip.Điều trị những người mang kén amip bằng metronidazol.
Trên đây là tổng hợp một số thông tin về lỵ amip. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích, giúp bạn có kiến thức tổng quát về bệnh lỵ amip, từ đó có thể phát hiện, phòng bệnh và điều trị bệnh hiệu quả.
Bài viết được tổng hợp và biên tập bởi dược sĩ Linh với sự tham vấn y khoa tại Khoe247.vn, cùng đón đọc những thông tin bổ ích ở những bài viết sau. Cảm ơn và chúc bạn sức khỏe!
BỆNH HỌC TẠI KHOE247.VN
- VIÊM LỘ TUYẾN CỔ TỬ CUNG LÀ GÌ? GIẢI PHÁP TRỊ DỨT ĐIỂM BỆNH
- VIÊM ĐẠI TRÀNG CO THẮT & CÁCH TRỊ TRIỆT ĐỂ TỪ BÀI THUỐC NGƯỜI DAO
- BỆNH LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG - NGUY CƠ VÔ SINH Ở PHỤ NỮ
- VIÊM CỔ TỬ CUNG - ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ HIỆN NAY?
- U XƠ TỬ CUNG LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CÁCH ĐIỀU TRỊ & SỬ DỤNG THUỐC
- U TUYẾN VÚ: NGUYÊN NHÂN, BIỂU HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ
- U NANG BUỒNG TRỨNG - Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Cách Điều Trị
- VIÊM LOÉT ĐẠI TRÀNG - BÍ QUYẾT NGĂN TRIỆU CHỨNG QUAY TRỞ LẠI
- HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH - GIẢI PHÁP CỦA NGƯỜI DÂN TỘC DAO
- BỆNH VIÊM ĐẠI TRÀNG - NHỮNG DẤU HIỆU & CÁCH ĐIỀU TRỊ ĐÚNG