Ung Thư Dạ Dày: Hình Ảnh, Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Điều Trị

Ung Thư Dạ Dày: Hình Ảnh, Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Điều Trị

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC cho biết ung thư dạ dày là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 tại Việt Nam (Globocan 2018). Điều đáng buồn là đa số người bệnh đi khám, phát hiện và điều trị khi ung thư đã ở giai đoạn muộn. Trong bài viết dưới đây, Khỏe 247 sẽ giải đáp tất cả thắc mắc giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

 

Ung thư dạ dày

 

Ung thư dạ dày là gì? Hình ảnh nội soi

 

Ung thư dạ dày được định nghĩa là tình trạng các tế bào dạ dày đang có cấu trúc bình thường trở nên bất thường đột biến và tăng sinh mất kiểm soát, sau đó xâm lấn các mô/cơ quan ở gần (cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết. 

 

Dưới đây là một số hình ảnh nội soi, CT ung thư dạ dày giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về loại ung thư này.

 

Hình ảnh ung thư dạ dày

 

Hình ảnh nội soi khu vực ung thư

 

Nguyên nhân ung thư dạ dày

 

Nguyên nhân gây ung thư  có thể là tổ hợp của nhiều yếu tố nguy cơ như: gen, môi trường, thói quen, bệnh lý,...

 

Yếu tố về gen

 

Một số yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ mắc ung thư là:

 

⦿ Nhóm máu A

⦿ Thiếu máu ác tính

⦿ Tiền sử gia đình có người bị ung thư bao tử

⦿ Hội chứng Li-Fraumeni,...

 

Yếu tố dinh dưỡng, thói quen, môi trường

 

Chế độ dinh dưỡng, thói quen không lành mạnh hay tác động xấu từ môi trường cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư:

 

⦿ Ăn mặn, thường xuyên ăn dưa muối, cà muối

⦿ Chế độ ăn giàu Nitrat, hoạt chất này có trong chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm,...

⦿ Thường xuyên ăn đồ chiên rán, thức ăn khô, hun khói, chế biến sẵn,...

⦿ Không ăn hoặc ít ăn rau xanh, hoa quả tươi

⦿ Uống bia rượu nhiều

⦿ Hút thuốc lá

⦿ Nguồn nước sinh hoạt bẩn

⦿ Môi trường làm việc tiếp xúc nhiều với than, kim loại, cao su, bức xạ,...

 

Yếu tố bệnh lý

 

Một số bệnh lý liên quan đến dạ dày, thực quản cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ gây sự xuất hiện khối u ung thư như:

 

⦿ Viêm loét dạ dày do nhiễm Helicobacter Pylori (Vi khuẩn HP)

⦿ Viêm teo dạ dày

⦿ Dạ dày vô toan

⦿ Thiếu máu ác tính

⦿ Dị sản ruột

⦿ Polyp tuyến dạ dày

⦿ Từng phẫu thuật dạ dày

⦿ Trào ngược dạ dày

⦿ Bệnh béo phì,...

 

Dấu hiệu và Triệu chứng ung thư dạ dày

 

Triệu chứng hay biểu hiện bệnh rất mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Khi triệu chứng xuất hiện rầm rộ, rõ ràng thường bệnh ung thư đã tiến triển sang giai đoạn muộn.

 

Triệu chứng ung thư dạ dày

 

Một số dấu hiệu sau giúp bạn nhận biết bệnh lý ung thư dạ dày:

 

Dấu hiệu sớm:

 

⦿ Chán ăn

⦿ Ăn không tiêu

⦿ Rối loạn tiêu hóa

⦿ Đau bụng vùng thượng vị, cơn đau xuất hiện không theo chu kỳ

⦿ Ợ hơi, ợ chua

⦿ Khó nuốt, nghẹn cổ họng

⦿ Buồn nôn, nôn

⦿ Sụt cân bất thường

⦿ Mệt mỏi

⦿ Xanh xao,...

 

Dấu hiệu muộn:

 

⦿ Đau bụng: Đau liên tục, đau nhiều, uống thuốc giảm đau không đỡ

⦿ Khối u bụng

⦿ Suy kiệt

⦿ Xuất huyết tiêu hóa

⦿ Thủng dạ dày,...

 

Các giai đoạn ung thư dạ dày

 

Bệnh có thể tiến triển theo 5 giai đoạn dựa trên mức độ tổn thương, đó là:

 

⦿ Ung thư giai đoạn đầu (giai đoạn 0/giai đoạn sớm): Tế bào ung thư xuất hiện ở lớp niêm mạc dạ dày (ung thư biểu mô). Ở giai đoạn này, kích thước khối u nhỏ, cấu trúc dạ dày chưa bị đảo lộn.

⦿ Ung thư giai đoạn 1: Tế bào ung thư đã xâm lấn và gây tổn thương đến lớp thứ 2 của dạ dày. Có thể di căn sang các hạch bạch huyết lân cận (< 6 hạch). Tuy nhiên ở giai đoạn này, các triệu chứng vẫn chưa rõ rệt.

⦿ Ung thư giai đoạn 2: Ung thư xâm lấn sâu vào lớp niêm mạc cơ dạ dày và di căn đến nhiều hạch bạch huyết lân cận hơn. Các triệu chứng cơ năng bắt đầu xuất hiện nhiều và dễ nhận biết hơn.

⦿ Ung thư giai đoạn 3: Kích thước khối u lớn, xâm lấn qua nhiều lớp của thành dạ dày (lớp cơ, lớp dưới thanh mạc,...), di căn sang sang nhiều hạch bạch huyết và các cơ quan gần: gan, đại tràng,...Ở giai đoạn này, người bệnh đã xuất hiện nhiều triệu chứng điển hình.

⦿ Ung thư giai đoạn cuối (giai đoạn 4): Tế bào ung thư đã di căn sang hạch bạch huyết và cả các cơ quan ở xa dạ dày như não, phổi, tim, phúc mạc,...Ở giai đoạn này, các dấu hiệu xuất hiện nhiều, nghiêm trọng, tiên lượng sống thấp.

 

Xét nghiệm ung thư dạ dày

 

Một số người bệnh thắc mắc “Siêu âm có phát hiện ung thư dạ dày không?”. Câu trả lời là siêu âm giúp phát hiện tình trạng di căn hạch bạch huyết, gan, khối u trong dạ dày nhưng độ chính xác không cao.

 

Hiện nay, để chẩn đoán phát hiện ung thư dạ dày, các bác sĩ thường chỉ định các biện pháp sau:

 

⦿ Nội soi kết hợp sinh thiết dạ dày: Nội soi dạ dày ống mềm giúp phát hiện vị trí và tính chất của khối u dạ dày. Khi nghi ngờ khối u ác tính, bác sĩ sẽ tiến hành bấm sinh thiết. Phương pháp này cho kết quả chẩn đoán ung thưmcó độ chính xác cao (>95%).

⦿ Chụp X-Quang: Chụp X-quang là phương pháp chẩn đoán ung thư được áp dụng từ rất lâu. Các tổn thương ung thư sẽ được phát hiện trên phim chụp hàng loạt.

⦿ Chụp cắt lớp (CT): Biện pháp này giúp phát hiện khối u nhỏ và mức độ xâm lấn, di căn hạch, tạng của khối u khá chính xác.

⦿ Chụp cắt lớp PET - CT: Kết hợp CT với chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) giúp xác định chính xác hơn vị trí, tổn thương do ung thư gây ra. Đồng thời phát hiện, đánh giá tình trạng u, hạch bạch huyết, di căn xa nhạy hơn.

 

Ung thư dạ dày có nguy hiểm không?

 

Đây là loại ung thư đường tiêu hóa nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Năm 2018, nước ta có thêm 17.527 ca mắc mới và 15065 ca tử vong vì căn bệnh này (theo Globocan). 

 

Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đi khám để phát hiện sớm để việc điều trị dễ dàng hơn và hạn chế nguy cơ tử vong.

 

Ung thư dạ dày sống được bao lâu?

 

Ung thư dạ dày sống được bao lâu, cắt ung thư sống được bao lâu, ung thư di căn sống được bao lâu” là những thắc mắc mà đa số người bị bệnh lý này đang cần lời giải đáp.

 

Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư dạ dày được nhận định dựa vào giai đoạn phát hiện và điều trị:

 

⦿ Giai đoạn 0: Tỷ lệ sống sau 5 năm là 90%

⦿ Giai đoạn 1: Tỷ lệ sống sau 5 năm là 57 - 71%

⦿ Giai đoạn 2: Tỷ lệ sống sau 5 năm là 33 - 46%

⦿ Giai đoạn 3: Tỷ lệ sống sau 5 năm là 9 - 14%

⦿ Giai đoạn 4: Tỷ lệ sống sau 5 năm là 4%

 

Ung thư dạ dày có chữa được không? Cách điều trị

 

Bệnh có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau phụ thuộc vào giai đoạn và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị bệnh thường được các bác sĩ chỉ định là:

 

Phẫu thuật 

 

Mổ cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày là biện pháp điều trị hữu hiệu ở giai đoạn sớm. Sau khi phẫu thuật ổn định, người bệnh có thể ăn uống bình thường. Ở giai đoạn cuối, việc phẫu thuật tạm thời giúp điều trị triệu chứng, lưu thông đường tiêu hóa, kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Do đó, nếu bạn đang thắc mắc “Ung thư dạ dày có nên mổ không?” thì câu trả lời là “Nên tuân thủ chỉ định mổ của bác sĩ điều trị”. 

 

Phẫu thuật ung thư

 

Hóa trị

 

Hóa trị thường được chỉ định để hỗ trợ cho phẫu thuật và/hoặc xạ trị. Biện pháp điều trị bằng thuốc này giúp tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại, hạn chế tái phát và giảm nhẹ triệu chứng trong giai đoạn muộn.

 

Phác đồ hóa trị bệnh thường gồm các loại thuốc như:

 

⦿ Mitomycin

⦿ Etoposide

⦿ Methotrexate

⦿ Taxane

⦿ Oxaliplatin,...

 

Lưu ý: Việc sử dụng hóa chất để trị liệu ung thư có thể gây nhiều tác dụng phụ tạm thời và có thể giảm sau khi điều trị.

 

Xạ trị

 

Xạ trị là phương pháp dùng tia phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư dạ dày. Nhờ kỹ thuật hiện đại, các tia xạ trị được tính toán chính xác trên vị trí của ung thư, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến những tế bào lành.

 

Trong điều trị ung thư, phương pháp xạ trị thường được chỉ định:

 

⦿ Thực hiện sau phẫu thuật cắt dạ dày nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại

⦿ Kết hợp hóa trị để làm giảm kích thước khối u, cải thiện các triệu chứng ung thư,...

 

Như vậy, trong bài viết trên Khỏe 247 đã cung cấp cho độc giả những thông tin cơ bản và giải đáp những thắc mắc liên quan đến bệnh lý ung thư dạ dày. Nếu bạn còn băn khoăn vấn đề gì về bệnh và phương pháp điều trị, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và nhận lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa nhé.

0369617500
TƯ VẤN KHÁCH HÀNG
0369617500 Chat ngay Zalo

Yêu cầu tư vấn