BÍ TIỂU - HIỆN TƯỢNG CÓ THỂ GẶP Ở MỌI ĐỐI TƯỢNG
Bí tiểu là chứng bệnh có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới. Thường gặp ở nam giới nhiều hơn và đặc biệt là khi họ lớn tuổi gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến sức khỏe đối với người mắc phải. Cùng tìm hiểu về chứng bệnh này để có cái nhìn rõ hơn.
Bí tiểu là gì?
》 Bí tiểu hay còn gọi là tiểu khó, là tình trạng tiểu tiện gặp khó khăn. Ở người bình thường, đi tiểu là một phản xạ theo ý muốn khi bàng quang chứa đầy nước dưới sự chi phối của hệ thần kinh.
》 Tuy nhiên, khi người bệnh bị bí tiểu, mặc dù bàng quang không hoàn toàn rỗng, thậm chí còn chứa đầy nước nhưng lại không thể đi tiểu được. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới cơ thể.
》 Bạn cần cảnh giác với những triệu chứng sau đây:
⦿ Cảm thấy muốn đi tiểu thường xuyên, trên 8 lần/ngày
⦿ Rất khó khăn trong việc đi tiểu, nước tiểu khó chảy ra
⦿ Dòng chảy nước tiểu yếu, hoặc vừa bắt đầu tiểu đã dừng lại.
⦿ Cảm giác cần đi tiểu ngay khi vừa mới đi tiểu xong
⦿ Nước tiểu rò rỉ chút một khỏi bàng quang cả ngày
⦿ Cảm giác khó chịu, căng tức vùng xương chậu hoặc vùng bụng dưới.
》 Khi có các dấu hiệu trên, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây bệnh chính xác nhất. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể mang lại kết quả điều trị khả quan.
Hiện tượng bí tiểu khi bàng quang chứa nước, thậm chí là đầy nước tiểu những người bệnh không đi tiểu được
Bí tiểu cấp có nguy hiểm không?
》 Bí tiểu phân ra làm 2 dạng thường gặp: Bí tiểu cấp và bí tiểu mạn. Bí tiểu cấp là hiện tượng bị bí tiểu đột ngột, bàng quang căng ra do chứa nhiều nước và bệnh nhân muốn đi tiểu nhưng chỉ đi được vài giọt, gây cảm giác căng tức, đau rát khó chịu vùng bụng dưới.
》 Ở giai đoạn cấp tính, nếu không điều trị kịp thời và hợp lý sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Đồng thời bí tiểu cấp tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng .
》 Bí tiểu mạn tính xảy ra trong một thời gian dài, bạn vẫn có thể đi tiểu được nhưng mỗi lần đi tiểu thì bàng quang không hoàn toàn rỗng được.
》 Các biến chứng có thể gặp phải do bí tiểu
Hiện tượng bí tiểu cấp có thể gây vỡ bàng quang, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phúc mạc và thậm chí là đe dọa tính mạng người bệnh. Một số biến chứng bí tiểu khác có thể xảy ra như:
⦿ Nhiễm trùng đường tiết niệu: Khi dòng nước tiểu bị ứ lại, không thể lưu thông bình thường được có thể làm cho vi khuẩn phát triển ở đường tiết niệu và gây nhiễm trùng tiết niệu.
⦿ Tổn thương bàng quang: Nước tiểu bị ứ đọng lâu có thể dẫn tới giảm chức năng co bóp của bàng quang, càng làm giảm khả năng bài xuất nước tiểu của bàng quang. Nước tích tụ lâu và nhiều có thể dẫn tới vỡ bàng quang.
⦿ Thận ứ nước, tổn thương thận: Tình trạng bí tiểu thường xuyên có thể dẫn tới suy giảm chức năng thận và dẫn tới bệnh thận mạn tính. Nếu tình trạng thận bị tổn thương nhiều và mạn tính, có thể bạn sẽ phải chạy thận nhân tạo hoặc lọc máu.
Nguyên nhân bí tiểu thường gặp
》 Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới bí tiểu. Bí tiểu có thể xảy ra khi có một vật cản, chặn mất dòng nước chảy qua bàng quang và niệu đạo. Các thuốc ảnh hưởng đến các cơ co bóp ở bàng quang như thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc kháng Histamin, thuốc chống co thắt cơ,...cũng có thể làm rối loạn hoạt động của cơ bàng quang và gây ra bí tiểu.
》 Hoạt động đi tiểu được chi phối bởi hệ thần kinh, do vậy bất cứ vấn đề nào cản trở hoạt động dẫn truyền thần kinh từ não đến dây thần kinh chi phối hoạt động của bàng quang và niệu đạo cũng gây ra vấn đề này.
》 Một số nguyên nhân cụ thể có thể gây ra tình trạng bí tiểu như:
⦿ Tắc nghẽn: Ở nam giới, tắc nghẽn có thể là hậu quả của phì đại tiền liệt tuyến. Tuyến tiền liệt phì ra và trở nên quá to, chèn ép vào niệu đạo. Đây là một nguyên nhân thường gặp gây chứng bí tiểu ở nam giới. Ở phụ nữ, sa bàng quang hay sa trực tràng cũng là một nguyên nhân thường gặp.
Một số nguyên nhân khác có thể xảy ra cho cả nam và nữ là niệu đạo bị hẹp (hẹp niệu đạo). Sỏi tiết niệu cũng có thể ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu và gây ra bí tiểu.
Sỏi đường tiết niệu là một trong những nguyên nhân gây bí tiểu thường gặp
⦿ Nhiễm trùng và sưng: Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây sưng niệu đạo và gây ra bí tiểu. Đặc biệt ở nam giới có thể có tình trạng nhiễm trùng tuyến tiền liệt, làm cho nó sưng lên và chèn ép vào niệu đạo, làm hạn chế dòng chảy của nước tiểu.
Một số bệnh lây lan qua đường tình dục cũng có thể gây nhiễm trùng và tắc nghẽn đường tiết niệu.
⦿ Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến chức năng các cơ của bàng quang và dẫn đến tác dụng phụ là bí tiểu. Điển hình như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng Histamin, thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng cholinergics, các thuốc giãn cơ,...
⦿ Do nguyên nhân thần kinh: Não chỉ đạo bàng quang và niệu đạo trong hoạt động đi tiểu tiện. Nếu có bất cứ vấn đề nào làm rối loạn thông tin dẫn truyền thần kinh có thể khiến bàng quang và hiệu đạo hoạt động không bình thường.
Các bệnh lý liên quan như chấn thương cột sống hoặc xương chậu, đột quỵ, đa xơ cứng, tiểu đường, thoát vị đĩa đệm hay chèn ép tủy sống do các khối u hoặc máu đông.
⦿ Sau phẫu thuật: Các phẫu thuật như thay khớp hông, phẫu thuật trực tràng hay loại bỏ trĩ có thể ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện. Bên cạnh đó, các thuốc được đưa vào trước và sau phẫu thuật có thể gây ra tình trạng bí tiểu.
Chứng bí tiểu ở phụ nữ
》 Rối loạn chức năng hoạt động của bàng quang ở phụ nữ thường phổ biến hơn so với nam giới. Bế tắc dòng tiểu ở phụ nữ do biến dạng giải phẫu, có thể được gây ra bởi những nguyên nhân bệnh lý sau: Các khối u lành tính (u xơ tử cung), các khối u ác tính của xương chậu, niệu đạo, âm đạo, phù âm hộ sau sinh, Dính môi âm hộ hoặc không có lỗ màng trinh, sa sinh dục…
》 Trong trường hợp không có bế tắc do giải phẫu, cần xét nghiệm niệu động học để đánh giá chức năng của các cơ bàng quang. Điều trị chủ yếu là thông tiểu sạch cách quãng, mở bàng quang ra được chỉ định khi bệnh nhân không tự thông tiểu sạch cách quãng được.
Bí tiểu được chẩn đoán bằng những xét nghiệm nào?
》 Một số xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán chứng bí tiểu như:
⦿ Xét nghiệm mẫu nước tiểu: Một mẫu nước tiểu sẽ được kiểm tra xem xét dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm khuẩn có thể là nguyên nhân của bí tiểu.
⦿ Siêu âm bàng quang, hệ tiết niệu: Siêu âm có thể phát hiện được sỏi, xác định lượng nước tiểu trong bàng quang của bạn. Bạn sẽ được yêu cầu để đi tiểu, và sau đó bác sĩ sẽ siêu âm lại bàng quang để xác định lượng nước còn lại sau tiểu.
Nếu thường có một lượng nước tiểu còn sót lại từ 100 ml nước tiểu trở lên, bạn sẽ được chẩn đoán là có bí tiểu mạn tính.
⦿ Soi bàng quang: Bác sĩ có thể sử dụng một ống nội soi bàng quang để nhìn bên trong bàng quang và niệu đạo của bạn. Bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ này để tìm và có thể loại bỏ sỏi bàng quang, đồng thời giúp bác sĩ xác định mức độ hẹp niệu đạo, xem xét đánh giá tuyến tiền liệt hoặc các tổn thương hay viêm nhiễm ở bàng quang.
⦿ Chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT): Giúp xác định có sỏi,u chèn ép,hẹp đường tiết niệu hay không.
⦿ Đo niệu động học là phương pháp giúp đánh giá chính xác chức năng đường tiểu dưới, nhằm xác định nguyên nhân của rối loạn đi tiểu từ bàng quang như: tăng hoạt động, giảm hoạt động, kích thước nhỏ,… hay bệnh lý niệu đạo: co thắt cơ niệu đạo, bất tương hợp bàng quang niệu đạo để tìm phương pháp điều trị hợp lý.
Bí tiểu và cách điều trị bí tiểu
》 Thoát nước bàng quang:
Với trường hợp cấp tính, giải quyết bằng cách đặt ống thông tiểu qua lỗ niệu đạo để vào trong bàng quang, giúp thoát nước và giảm triệu chứng đau đớn, khó chịu nhanh chóng cho bệnh nhân. Nguyên nhân của bí tiểu cấp tính có thể là tạm thời. Ví dụ như bí tiểu sau khi phẫu thuật, bạn có thể đi tiểu bình thường sau khi những ảnh hưởng của gây mê biến mất.
Trong những trường hợp như vậy, bạn có thể cần phải điều trị bằng một ống thông đưa vào một hoặc hai lần và không cần điều trị cần thiết gì khác. Nếu do các loại thuốc gây bí tiểu khác, khi ngưng thuốc thì bí tiểu sẽ mất và hệ niệu lại hoạt động bình thường trở lại.
Bí tiểu cần sớm được điều trị, tránh để ảnh hưởng đến cuộc sống
Với trường hợp bí tiểu mạn tính, bệnh nhân có thể đặt ống thông tiểu thỉnh thoảng không liên tục hoặc đặt ống thông tiểu dài hạn nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
》 Điều trị cho bất kỳ trường hợp bí tiểu nào đều phụ thuộc vào nguyên nhân:
Tùy thuộc vào các nguyên nhân gây bí tiểu mà tìm biện pháp điều trị: như do sỏi bàng quang có thể điều trị tán sỏi, do u tiền liệt tuyến có thể điều trị nội khoa để cải thiện các triệu chứng,với hẹp niệu đạo thì phương pháp điều trị phổ biến nhất là nong niệu đạo, hoặc sử dụng laser hay phẫu thuật …
Khi điều trị khỏi các bệnh lý này thì triệu chứng bí tiểu sẽ thuyên giảm và khỏi được.
》 Với trường hợp bệnh sa sinh dục:
Trên nguyên tắc thì không mổ bệnh nhân quá trẻ hay già quá, trừ khi sa quá nặng và thể trạng cho phép, khi chưa mổ có thể dùng estrogen tác dụng đơn thuần ở âm đạo và tập thể dục, nhằm làm giảm triệu chứng bí tiểu đường tiết niệu, với bệnh nhân cao tuổi không có chỉ định mổ có thể đặt dụng cụ giúp nâng tử cung(pessaire).
》 Một số biện pháp làm giảm nguy cơ phát triển bí tiểu:
⦿ Đi tiểu khi cảm thấy muốn đi: Thói quen đi tiểu tốt là điều cần thiết để giữ cho hoạt động của bàng quang được bình thường. Hầu hết mọi người thường đi tiểu 4-6 lần mỗi ngày. Việc thường xuyên nhịn tiểu trong thời gian dài có thể làm suy yếu các cơ bàng quang và gây rối loạn.
⦿ Thường xuyên vệ sinh đường tiết niệu để tránh các bệnh nhiễm trùng đường niệu
⦿ Khi phát hiện dấu hiệu bí tiểu cấp, nên sớm đến cơ sở y tế để tìm nguyên nhân và can thiệp điều trị
⦿ Có thể tăng cường luyện tập thể dục thể thao với các bài tâp sàn khung chậu.
Bí tiểu là một hiện tượng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào và có thể được tạo ra bởi nhiều nguyên nhân. Khi bị bí tiểu, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân chính xác. Từ đó, có quá trình điều trị an toàn và hiệu quả hơn. Mọi câu hỏi về bệnh cần được giải đáp vui lòng gửi thông tin về cho chúng tôi qua link Đăng ký ▶ Tư vấn sức khỏe của Khỏe 247 hoặc Hotline: 024.85.86.86.85. Chúc bạn sức khỏe!
BỆNH HỌC TẠI KHOE247.VN
- VIÊM LỘ TUYẾN CỔ TỬ CUNG LÀ GÌ? GIẢI PHÁP TRỊ DỨT ĐIỂM BỆNH
- VIÊM ĐẠI TRÀNG CO THẮT & CÁCH TRỊ TRIỆT ĐỂ TỪ BÀI THUỐC NGƯỜI DAO
- BỆNH LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG - NGUY CƠ VÔ SINH Ở PHỤ NỮ
- VIÊM CỔ TỬ CUNG - ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ HIỆN NAY?
- U XƠ TỬ CUNG LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CÁCH ĐIỀU TRỊ & SỬ DỤNG THUỐC
- U TUYẾN VÚ: NGUYÊN NHÂN, BIỂU HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ
- U NANG BUỒNG TRỨNG - Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Cách Điều Trị
- VIÊM LOÉT ĐẠI TRÀNG - BÍ QUYẾT NGĂN TRIỆU CHỨNG QUAY TRỞ LẠI
- HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH - GIẢI PHÁP CỦA NGƯỜI DÂN TỘC DAO
- BỆNH VIÊM ĐẠI TRÀNG - NHỮNG DẤU HIỆU & CÁCH ĐIỀU TRỊ ĐÚNG