Bệnh Barrett Thực Quản Là Gì? Có Chữa Khỏi Không?

Bệnh Barrett Thực Quản Là Gì? Có Chữa Khỏi Không?

Khi đi khám được bác sĩ chẩn đoán bị Barrett Thực Quản, nhiều người bệnh cảm thấy lo lắng, hoang mang không biết mình đang mắc bệnh gì, có nguy hiểm không và có chữa khỏi được không? Trong bài viết này, chuyên gia Khỏe 247 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hầu hết các vấn đề liên quan đến bệnh lý thực quản này nhé!

 

Barrett thực quản

 

Barrett thực quản là gì? Nguyên nhân gây bệnh

 

Đây là bệnh lý có tỷ lệ mắc cao ở người bệnh mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) mức độ nặng trong thời gian dài. 

 

Vậy barrett thực quản hay thực quản barrett là gì?

 

Barrett thực quản (tiền ung thư thực quản) là tình trạng niêm mạc thực quản biến đổi cả về cấu trúc và tính chất gần giống với niêm mạc ruột. Cụ thể biến đổi từ biểu mô vảy sang biểu mô trụ giống tế bào ruột non (còn gọi là chuyển sản ruột). 

 

Tìm hiểu nguyên nhân gây thực quản barrett

 

Về nguyên nhân gây bệnh cho đến hiện nay chưa có kết luận chính xác. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân bị barrett đều đang mắc trào ngược dạ dày trong thời gian khá lâu và đang ở cấp độ nặng.

 

Như vậy, có thể dự đoán rằng, niêm mạc thực quản biến đổi do thường xuyên tiếp xúc và bị tác động bởi acid dư thừa trong dịch vị dạ dày trào lên. Bên cạnh đó, một số yếu tố sau là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc  thực quản barrett:

 

⦿ Chứng ợ nóng mãn tính.

⦿ Tuổi tác: Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở người lớn tuổi (>50 tuổi), ít gặp ở trẻ nhỏ.

⦿ Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc barrett thực quản cao gấp đôi nữ giới.

⦿ Chủng tộc: Theo khảo sát, tỷ lệ người da trắng mắc barrett nhiều hơn các chủng tộc khác.

⦿ Thừa cân, hút thuốc lá,...

 

Tuy nhiên, thực tế lâm sàng đã ghi nhận một số người bệnh mắc barrett trong khi chưa từng bị trào ngược dạ dày hay mắc chứng ợ nóng. Trường hợp này, các nhà nghiên cứu y học chưa tìm ra nguyên nhân.

 

Một số hình ảnh barrett thực quản

 

Dưới đây, là một số hình ảnh nội soi barrett giúp người bệnh hình dung rõ hơn về bệnh lý này.

 

Hình ảnh nội soi barrett thực quản

 

Hình ảnh barrett

 

Dấu hiệu & Triệu chứng Barrett thực quản

 

Bệnh lý này thường không có dấu hiệu đặc trưng nào. Do đó, người mắc bệnh trào ngược dạ dày cấp độ nặng đồng thời nằm trong nhóm nguy cơ cao nên đi khám định kỳ để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị kịp thời.

 

Để chẩn đoán barrett thực quản bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân đi thực hiện kỹ thuật nội soi. Khi phát hiện mô thực quản bất thường, bác sĩ sẽ tiến thành sinh thiết lấy mô xét nghiệm mô bệnh học để đánh giá, kết luận bệnh.

 

Tuy nhiên, tỷ lệ xuất hiện barrett ở bệnh nhân trào ngược dạ dày gấp 3-5 lần so với nguyên nhân khác. Do đó, về phía người bệnh có thể nhận biết bệnh qua một số dấu hiệu sau:

 

⦿ Nóng rát

⦿ Ợ nóng, ợ chua thường xuyên

⦿ Khó nuốt, vướng nghẹn ở cổ họng như có khối u

⦿ Đau tức vùng ngực

⦿ Khó thở

⦿ Đi ngoài phân đen,...

 

Barrett thực quản có nguy hiểm không?

 

Khi nhắc đến tiền ung thư thực quản, nhiều người bệnh cảm thấy hoang mang, lo sợ. Vậy để trả lời cho câu hỏi thực quản barrett có nguy hiểm không, mời độc giả đọc các thông tin dưới đây:

 

⦿ Barrett có thể kéo dài vài năm sau đó mới chuyển biến sang ung thư thực quản nên nếu phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ khả quan hơn.

⦿ Tỷ lệ người mắc barrett tiến triển thành ung thư biểu mô tuyến thực quản thấp hơn 1% mỗi năm.

 

Như vậy, barrett có nguy cơ tiến triển thành ung thư thực quản khiến sức khỏe sa sút, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Do đó, không nên chủ quan khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ. Cần đi khám ngay để phát hiện barrett ở giai đoạn sớm bạn nhé!

 

Đồng thời, các chuyên gia khuyến khích người bệnh trào ngược dạ dày nên đi nội soi, sinh thiết định kỳ.

 

Ung thư thực quản

 

Barrett thực quản có chữa khỏi không?

 

“Barrett thực quản có chữa khỏi không” là thắc mắc của rất nhiều người bệnh khi gặp tình trạng này. 

 

Câu trả lời là bệnh lý này không thể trị dứt điểm được. Hầu hết các biện pháp chỉ giúp không chế, loại bỏ barrett tạm thời, nếu tình trạng trào ngược vẫn còn thì barrett vẫn có thể tái phát.

 

Tuy nhiên, việc điều trị là cần thiết để giảm nhẹ các triệu chứng giúp người bệnh dễ chịu, thoải mái hơn, hạn chế thấp nhất nguy cơ chuyến biến thành ung thư.

 

Điều trị barrett thực quản

 

Tùy theo sức khỏe của người bệnh và mức độ bất thường của tế bào thực quản, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

 

Trường hợp không loạn sản

 

Nếu xét nghiệm phát hiện tế bào niêm mạc thực quản không bị loạn sản thì bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân:

 

⦿ Nội soi định kỳ để theo dõi sự phát triển của tế bào (nội soi lại sau 6 tháng, sau đó 3 năm/1 lần).

⦿ Kết hợp điều trị bằng thuốc trị trào ngược dạ dày (ức chế bơm proton, kháng histamin, kháng acid,...). Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

⦿ Phẫu thuật thắt chặt cơ thắt dưới thực quản hạn chế acid trào ngược lên thực quản (có thể).

 

Trường hợp loạn sản nhẹ

 

Phương pháp điều trị:

 

⦿ 6 tháng khám lại lần 2, sau đó định kỳ 6-12 tháng khám lại 1 lần.

⦿ Nội soi loại bỏ tế bào tổn thương hoặc dùng sóng cao tần cắt bỏ khối u.

⦿ Điều trị giảm axit dạ dày, hạn chế trào ngược, viêm loét thực quản bằng thuốc.

 

Trường hợp loạn sản nặng

 

Khi đánh giá bệnh nhân bị barrett thực quản loạn sản mức độ cao, bác sĩ thường chỉ định phương pháp điều trị như sau:

 

⦿ Cắt bỏ khối u bằng nội soi hoặc sóng cao tần, liệu pháp quang động học,...

⦿ Tiến hành cắt bỏ gần như toàn bộ thực quản bằng phẫu thuật.

 

Chế độ ăn uống & phòng ngừa bệnh

 

Bệnh nhân bị barrett thực quản hoặc bị trào ngược dạ dày cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để hỗ trợ cải thiện và phòng ngừa bệnh:

 

Chế độ ăn uống và phòng ngừa bệnh barrett thực quản

 

Chế độ ăn uống

 

⦿ Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tốt cho dạ dày

⦿ Nên chia nhiều bữa nhỏ

⦿ Ăn chậm, nhai kỹ

⦿ Không ăn quá no

⦿ Không ăn khuya

⦿ Hạn chế các thực phẩm sau:

 

+ Chua, cay, nóng như me, sấu, cóc, xoài, cam, chanh, ớt, tiêu, mù tạt,...

+ Dưa chua, cà muối, kim chi

+ Nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh

 

⦿ Không uống rượu, bia, cafe, nước ngọt có ga

⦿ Không hút thuốc lá

 

Chế độ sinh hoạt

 

⦿ Nằm ngủ sau ăn 3 tiếng, không nằm ngay

⦿ Tư thế ngủ: nghiêng trái hoặc nằm ngửa, kê cao giường hoặc đầu khoảng 15cm để hạn chế trào ngược.

⦿ Tập thể dục

⦿ Giữ cân nặng hợp lý

⦿ Hạn chế stress

⦿ Không thức khuya,....

 

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh lý barrett thực quản mà chuyên gia Khỏe 247 muốn giới thiệu đến độc giả. Hy vọng rằng kiến thức hữu ích này giúp người bệnh khắc phục thực quản barrett hiệu quả hơn đồng thời nâng cao ý thức phòng tránh bệnh. Chúc bạn sức khỏe!

0369617500
TƯ VẤN KHÁCH HÀNG
0369617500 Chat ngay Zalo

Yêu cầu tư vấn